Phương án kỹ thuật – Công nghệ thực hiện công tác khảo sát, đo vẽ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000

Công tác khảo sát, đo vẽ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 thực hiện theo sơ đồ quy trình công nghệ như sau:

Sơ đồ quy trình thành lập bản đồ

1.Kiểm nghiệm thiết bị

Thiết bị đo biển bao gồm: Máy GPS, máy và mia thủy chuẩn, máy toàn đạc điện tử, máy đo sâu hồi âm đơn tia, máy xác định tốc độ âm, máy định vị động… đều phải được kiểm nghiệm đầy đủ các hạng mục theo quy định tại các tài liệu và quy định trong các văn bản quy phạm, quy chuẩn sử dụng hướng dẫn sử dụng máy nêu tại mục “Các văn bản pháp lý sử dụng trong thiết kế và thi công” liên quan đến từng máy cụ thể

  • Các loại máy phải được kiểm nghiệm trước khi đưa vào sử dụng cho công trình. Kết quả phải đóng kèm thành quả theo trình tự thời gian kiểm nghiệm;
  • Việc kiểm nghiệm máy phải được ghi vào sổ kiểm nghiệm tại thực địa của từng hạng mục kiểm nghiệm theo quy định. Kết quả tính toán phải chính xác, điền viết đầy đủ vào sổ kiểm nghiệm của từng loại máy;
  • Trong trường hợp tâm antenna máy định vị không trùng với tâm của bộ biến âm thì phải sử dụng la bàn số và đo giá trị offset để nhập vào phần mềm. Khi kiểm tra phải chọn thời điểm lặng sóng, tàu phải được cột – neo chắc chắn. Cách tính toán theo các quy định trong các văn bản quy phạm, quy chuẩn sử dụng hướng dẫn sử dụng máy;
  • Tất cả các sổ kiểm nghiệm phải được thủ trưởng đơn vị thi công ký xác nhận và đóng dấu của đơn vị;
  • Hệ thống RTK được kiểm nghiệm bằng cách: Đặt hệ thống phát RTK (trạm Base) trên 1 điểm gốc của lưới khống chế tọa độ, độ cao và phát tín hiệu; đặt máy thu RTK (Rover) lên 1 điểm lưới khống chế tọa độ, độ cao khác và thu tín hiệu; tính độ lệch tọa độ, độ cao trung bình với tọa độ, độ cao điểm gốc đã có.

2.Xây dựng lưới khống chế tọa độ, độ cao Hạng IV

  • Các điểm lưới được thiết kế dọc theo ven bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, phân bố đều và đảm bảo khống chế toàn bộ khu vực khảo sát, đo vẽ;
  • Xây dựng 23 điểm toạ độ, độ cao hạng IV dọc tuyến khảo sát ven bờ (trung bình khoảng 5km có 1 điểm), trong đó có 01 cặp điểm thông hướng, cách nhau khoảng 200m để phục vụ công tác kiểm nghiệm thiết bị, cặp điểm này chọn ở khu vực cầu cảng trạm biên phòng Thuận An. Các điểm của lưới khống chế tại khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh số hiệu lần lượt từ GPS01 đến GPS23;
  • Các điểm khống chế tọa độ, độ cao hạng IV được chọn ở vị trí có nền đất vững chắc, ổn định, thuận lợi cho việc thu tín hiệu từ vệ tinh. Mốc được xây chắc chắn bằng bê tông, có gắn tâm mốc, xây tường vây bảo vệ hoặc gắn trên đá, trên vật kiến trúc;
  • Quy cách mốc, dấu mốc, ghi chú điểm, bàn giao mốc tọa độ, độ cao hạng IV theo quy cách của điểm tọa độ hạng III (Phụ lục 2) trong trong tài liệu [4]. Quy cách tường vây tuân theo Phụ lục 4 của tài liệu [4], thay cụm từ “CỤC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ VIỆT NAM” bằng cụm từ “SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG THỪA THIÊN HUẾ” và cụm từ “MỐC TỌA ĐỘ QUỐC GIA” bằng cụm từ “MỐC HẠNG IV”. Các điểm gắn mốc, không phải xây tường vây;
  • Tọa độ, độ cao các điểm hạng IV được đo nối bằng công nghệ GPS/GNSS tĩnh từ 4 điểm tọa độ Nhà nước có số hiệu: 331401, 332478, 332441, 332447 và 2 điểm độ cao Nhà nước có số hiệu: I(VL-HT)38, III(H-VT)1;
  • Sơ đồ đo nối tọa độ, độ cao các điểm lưới Hạng IV được thể hiện tại Phụ lục 6;
  • Quy trình đo và tính toán lưới khống chế tọa độ, độ cao hạng IV bằng công nghệ GPS/GNSS được thực hiện theo các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Máy GPS dùng trong thi công là loại máy thu GPS 2 tần số, đo ở chế độ đo tĩnh. Đo và lập lịch tại khu đo. Thời gian đo nối tọa độ, độ cao cho các điểm lưới khống chế tọa độ, độ cao hạng IV ≥ 4 giờ;
  • Các chỉ tiêu kỹ thuật phải đạt yêu cầu:
    • Tọa độ nhập khi lập lịch là tọa độ tại vị trí trung tâm của từng khu đo vẽ;
    • PDOP ≤ 4;
    • Số vệ tinh tối thiểu là 4;
    • Góc ngưỡng vệ tinh ≥ 15°;
    • Đo chiều cao ăng ten 2 lần trước và sau khi đo. Giữa các lần đo không chênh nhau quá 1mm. Kết quả lấy giá trị trung bình và ghi vào sổ;
    • Bật máy thu ít nhất 5 phút trước khi đo để máy định vị;
    • Các chỉ tiêu xử lý cạnh phải đạt được như sau:
Chiều dài cạnh (km) RMS RDOP RATIO Ghi chú
0 ¸ 10 0,02+0,0040.D < 0,1 3,0
10 ¸ 20 0,03+0,0030.D < 0,1 2,8
20 ¸ 30 0,04+0,0025.D < 0,1 2,6
30 ¸ 40 0,04+0,0025.D < 0,1 22,4
40 ¸ 60 0,08+0,0015.D £ 0,1 22,2
    • Trong trường hợp một trong các chỉ tiêu vượt quá giá trị cho phép, nhưng không quá 1,5 lần thì xem xét kết quả tính sai số khép hình và bình sai sơ bộ để quyết định chất nhận lời giải hay đo lại;
    • Tùy theo chiều dài cạnh mà xác định mức độ ưu tiên chọn lời giải OPT (Optimum) hoặc FIX (Fixed), FLP (Float), hay TRP (Triple) như sau:
Chiều dài cạnh (km) Lời giải Phương pháp tính
Dưới 15 OPT hoặc FIX Bán tự động
15 ¸ 50 OPT hoặc FLT Bán tự động hoặc không tự động
Trên 50 TRP Xử lý 2 tần số

 

    • Sau khi tính cạnh phải tính sai số khép hình theo sơ đồ đo. Giới hạn sai số tương đối khép hình không lớn hơn 1/100.000 (10 ppm) đối với hình khép có tổng chiều dài lớn hơn 50km, giá trị tuyệt đối của sai số khép (DXYZ) không lớn hơn 0,25m. Giới hạn sai số khép hình chênh cao (DH) không lớn hơn ±mm (S tính theo km). Số lượng sai số vượt sai số giới hạn không quá 10%;
    • Tổng hợp kết quả sau bình sai theo các bảng:
    • Bảng tổng hợp trị đo GPS và các chỉ tiêu độ chính xác;
    • Bảng sai số khép hình;
    • Bảng trị đo và số cải chính sau bình sai;
    • Bảng tọa độ vuông góc không gian trong hệ tọa độ VN-2000;
    • Bảng tọa độ và độ cao trắc địa trong hệ tọa độ VN-2000;
    • Bảng tọa độ phẳng và độ cao thủy chuẩn trong hệ tọa độ VN-2000 kèm theo các sai số sau bình sai;
    • Bảng chiều dài cạnh, phương vị, chênh cao và các sai số sau bình sai;
    • Các chỉ tiêu sai số sau bình sai phải đạt được như sau:
Chiều dài cạnh (km) Sai số tương đối
Trên 50 Dưới 1/600.000
30 ¸ 50 Dưới 1/400.000
15 ¸ 30 Dưới 1/300.000
5 ¸ 15 Dưới 1/200.000
1,5 ¸ 5 Dưới 1/100.000

3.Xây dựng điểm nghiệm triều (điểm quan trắc mực nước)
Xây dựng mới 02 điểm nghiệm triều khu vực ven bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Các điểm nghiệm triều xây mới trong Dự án này gồm:

  • Điểm nghiệm triều đặt tại cầu cảng trạm biên phòng Thuận An (ký hiệu là NTTA);
  • Điểm nghiệm triều đặt tại khu vực cảng Chân Mây (ký hiệu là NTCM);
  • Độ cao điểm “0” thước quan trắc mực nước của các điểm nghiệm triều được xác định bằng thủy chuẩn kỹ thuật từ các điểm độ cao hạng IV gần nhất;
  • Độ cao điểm “0” thước quan trắc mực nước của các điểm nghiệm triều Thuận An (NTTA) được đo nối từ 2 điểm Hạng IV có số hiệu là GPS08 và GPS09. Khoảng cách đo thủy chuẩn kỹ thuật khoảng 1km;
  • Độ cao điểm “0” thước quan trắc mực nước của các điểm nghiệm triều Chân Mây (NTCM) được đo nối từ điểm Hạng IV có số hiệu là GPS19. Khoảng cách đo thủy chuẩn kỹ thuật khoảng 2km (đo đi và đo về);
  • Điểm nghiệm triều phải được chọn ở nơi thuận tiện cho việc quan trắc mực nước biển lên xuống hàng ngày. Vị trí của điểm nghiệm triều cần chọn ở nơi lặng gió, sóng biển ít tác động đến kết quả đọc số trên thước quan trắc;
  • Quy cách xây dựng điểm nghiệm triều xem Phụ lục 7;
  • Thước dùng để quan trắc mực nước tại các điểm nghiệm triều có vạch khắc 1cm;
  • Độ cao điểm “0” thước quan trắc mực nước của các điểm nghiệm triều được xác định bằng thủy chuẩn kỹ thuật từ các điểm độ cao hạng IV gần nhất;
  • Tổng khoảng cách đo thủy chuẩn kỹ thuật (kể cả đo đi và đo về) từ các điểm độ cao hạng IV đến điểm “0” thước quan trắc khoảng 3km.

4.Đo vẽ bổ sung địa hình trên bờ tỷ lệ 1:10.000

Địa hình trên bờ được đo vẽ bằng công nghệ định vị chính xác cao GNSS-RTK. Đối với các khu vực không thông thoáng có thể kết hợp với phương pháp đo vẽ truyền thống bằng máy toàn đạc điển tử. Công tác đo vẽ địa hình GNSS-RTK như sau: Trạm tĩnh RTK (Base) được đặt trên các điểm lưới khống chế tọa độ, độ cao có nhiệm vụ phát tín hiệu cải chính cho các máy Rover; các máy Rover với đặc tính nhỏ gọn sẽ nhanh chóng xác định được tọa độ, độ cao của các điểm địa hình, các địa vật cần đo vẽ;

 Đo vẽ địa hình trên bờ bằng công nghệ GNSS-RTK

Phạm vi đo vẽ bổ sung, chi tiết địa hình khu vực ven biển trên bờ được xác định như sau:

    • Khu vực ven bờ biển: Phạm vi đo vẽ bổ sung tính từ đường mép nước hướng về phía đất liền đến khoảng 350m. Diện tích đo vẽ khu vực này khoảng 40,2km²;
    • Các khu vực chưa có bản đồ địa hình: phạm vi đo vẽ bổ sung tính từ đường mép nước của các đầm phá trở lên đến đường bình độ 20m và nằm trong phạm vi bản đồ cần thành lập còn thiếu tư liệu. Diện tích đo vẽ khu vực này khoảng 2,7km²;
  • Tổng diện tích đo vẽ bổ sung trên bờ tỷ lệ 1:10.000 khoảng 42,9km²;
  • Khi tiến hành đo vẽ bổ sung phải đảm bảo mật độ điểm đo 25điểm/dm² trên bản đồ (tương đương 100m/điểm ở thực địa). Các khu vực có địa hình đặc trưng, các công trình và địa vật hiện hữu chưa có trên bản đồ phải được đo vẽ chi tiết;
  • Số liệu đo vẽ bổ sung được xác định theo chế độ Manual trên bàn phím điều khiển và được lưu dưới dạng file số định dạng (X Y H). Các vị trí đặc trưng địa hình, các công trình và địa vật hiện hữu được đo vẽ chi tiết và sơ họạ, ghi chú thông tin đầy đủ để phục vụ cho công tác biên tập bản đồ.

5.Đo vẽ chi tiết địa hình dưới nước khu vực nước nông ven bờ (đo sâu bằng sào)
Công tác đo vẽ địa hình dưới nước khu vực nước nông ven bờ (từ đường mép nước đến độ sâu 2m) được thực hiện bằng sào đo sâu (ứng dụng công nghệ định vị độ chính xác cao GNSS-RTK). Lợi dụng khi triều kiệt để tiến hành đo vẽ, khu vực không thể lội được thì dùng thuyền nhỏ để tiến hành đo vẽ;

  • Khu vực đo vẽ địa hình dưới nước tỷ lệ 1:10.000 được đo vẽ chi tiết đảm bảo mật độ điểm đo 25điểm/dm² trên bản đồ (tương đương 100m/điểm ở thực địa). Các khu vực có địa hình đặc trưng, các công trình và địa vật hiện hữu dưới nước, trên mặt nước phải được đo vẽ chi tiết;
  • Tổng diện tích đo vẽ địa hình dưới nước tỷ lệ 1:10.000 bằng sào khu vực ven bờ khoảng 18,2km².

6.Đo vẽ chi tiết địa hình dưới nước khu vực nước sâu (đo sâu bằng máy đo sâu hồi âm đơn tia)

Ven bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Huế là khu vực có độ sâu nhỏ, nếu sử dụng công nghệ đo đa tia (Muntibeam) sẽ đẩy giá thành lên cao, do đó Dự án lựa chọn công nghệ đo sâu hồi âm đơn tia (Single-beam) để đo vẽ địa hình đáy biển từ độ sâu 2m đến đường song song cách đường mép nước khoảng 500m. Công nghệ và phương pháp đo sâu địa hình đáy biển thể hiện như hình sau:

Công nghệ-phương pháp đo sâu địa hình đáy biển

Sử dụng máy đo sâu đơn tia Echotrack MKIII™, Hydrotrac (hoặc máy có độ chính xác tương đương) là các dòng máy có độ phân giải cao, tích hợp chức năng định vị GPS và tích hợp vẽ biểu đồ trên giấy và hiển thị trên màn hình LCD. Địa hình đáy biển theo tuyến đo sẽ được xác định với độ chính xác cao. Tuyến chạy và dữ liệu điểm được thể hiện như hình dưới đây:

 

 Minh họa đo sâu bằng máy đo sâu hồi âm đơn tia

Để đảm bảo độ chính xác của số liệu đo sâu đơn tia, các thiết bị, máy móc hỗ trợ bao gồm: máy định vị SPS361 hoặc máy có độ chính xác tương đương, máy đo sâu hồi âm đơn tia, tàu khảo sát, trạm phát tín hiệu cải chính DGPS. Hệ thống thiết bị được kết nối như hình dưới đây:

 Sơ đồ minh họa kết nối hệ thống thiết bị

  • Quy trình khảo sát, đo vẽ được thực hiện theo các bước:
    • Lắp đặt thiết bị trên tàu khảo sát;
    • Kiểm tra, kiểm nghiệm thiết bị đo sâu;
    • Đo vẽ địa hình dưới nước;
    • Xử lý số liệu đo vẽ;
    • Kiểm tra tính đầy đủ và độ chính xác số liệu đo vẽ;
    • Biên tập bản đồ gốc số;

6.1.Lắp đặt thiết bị trên tàu khảo sát

Các thiết bị được lắp đặt trên tàu để phục vụ quá trình đo vẽ như: đầu biến âm máy đo sâu, ăng ten máy định vị …vv phải được đo đạc bằng thước thép hoặc máy toàn đạc điện tử để xác định được độ lệch tâm của chúng so với một điểm gốc quy chiếu và hệ trục tọa độ quy ước trên tàu đo;

  • Các thiết bị sau đây phải được lắp đặt, gia cố chắc chắn, cố định với thân tàu, tuyệt đối không để bị xê dịch hoặc có các rung lắc trong quá trình hoạt động, thi công:
    • Ăng ten định vị GPS;
    • Đầu biến âm (Transducer) máy đo sâu đơn tia;
    • Độ chính xác đo độ lệch tâm của các thiết bị này là < 2cm.

6.2.Kiểm tra, kiểm nghiệm thiết bị đo sâu

Toàn bộ máy móc, thiết bị của đều được kiểm nghiệm trước khi đưa vào thi công. Quy trình kiểm nghiệm máy móc, thiết bị thực hiện theo Thông tư Quy định về kiểm nghiệm và hiệu chỉnh một số thiết bị đo đạc bản đồ biển ban hành theo Quyết định số 27/2011/TT-BTNMT ngày 20/7/ 2011;

  • Công tác kiểm nghiệm máy đo sâu hồi âm đơn tia được tiến hành theo quy định và sử dụng phần mềm khảo sát chuyên dụng (QINSy ver 8.0, HydroPro 2.3…) để đưa ra các thông số hiệu chỉnh chính xác cho hệ thống trước khi đo vẽ.

6.3.Đo vẽ chi tiết địa hình đáy biển

Công tác đo vẽ địa hình đáy biển được thực hiện bằng công nghệ đo sâu hồi âm đơn tia (Single-beam) chỉ được thực hiện sau khi các bước kiểm nghiệm hoàn thành, các giá trị hiệu chỉnh đã đảm bảo để hệ thống đo vẽ bằng công nghệ đơn tia cho số liệu đạt yêu cầu về độ chính xác.

1)Thiết kế tuyến đo sâu, tuyến đo kiểm tra

Các tuyến đo sâu được thực hiện theo hướng vuông góc với đường mép nước;

  • Khoảng cách giữa 2 tuyến đo sâu liên tiếp ở thực địa là 100m. Độ lệch tuyến khi thi công ở thực địa không được lệch quá 30m so với thiết kế. Khoảng cách giữa 2 điểm fix liên tiếp trên cùng một tuyến đo sâu là 10m ở thực địa. Đối với các khu vực có địa hình phức tạp như luồng, lạch hoặc có nhiều bãi bồi… khi thi công có thể thay đổi hướng tuyến đo sâu nhưng cần đảo bảo các yêu cầu khoảng cách giữa 2 tuyến liên tiếp, khoảng cách giữa 2 fix liên tiếp trên một tuyến đo đã nêu trên;
  • Khu vực ven bờ có 1 tuyến đo kiểm tra theo hướng vuông góc với tuyến đo sâu. Do ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh (sóng, gió…), khi thi công góc giao nhau giữa tuyến đo kiểm tra và tuyến đo sâu cũng không được vượt quá ±30º so với góc thiết kế. Khoảng cách giữa 2 điểm fix liên tiếp trên cùng một tuyến kiểm tra là 5m ở thực địa.

2)Thi công do sâu, đo kiểm tra địa hình đáy biển

Đo sâu, đo kiểm tra địa hình đáy biển bằng máy đo sâu hồi âm đơn tia bao gồm 3 hạng mục công việc gắn liền với nhau: quan trắc mực nước, xác định vị trí điểm đo sâu (đo kiểm tra) và đo sâu địa hình đáy biển:

a.Quan trắc mực nước phục vụ cải chính
Khu vực khảo sát có 02 điểm nghiệm triều. Mỗi điểm nghiệm triều sẽ cải chính số liệu đo sâu cho các mảnh bản đồ cụ thể như sau:

    • Quan trắc điểm nghiệm triều Thuận An (NTTA) cải chính số liệu đo sâu cho các mảnh bản đồ có vĩ độ Bắc từ 16º30’00” trở lên phía Bắc đến hết biên khu vực đo vẽ này;
    • Quan trắc điểm nghiệm triều Chân Mây (NTCM) cải chính số liệu đo sâu cho các mảnh bản đồ có vĩ độ Bắc từ 16º30’00” trở xuống phía Nam đến hết biên khu vực đo vẽ này;
  • Thời điểm quan trắc mực nước phải diễn ra trước thời điểm bắt đầu đo vẽ địa hình đáy biển và thời điểm kết thúc quan trắc mực nước phải sau thời điểm kết thúc đo vẽ địa hình đáy biển của mỗi ngày đo, mỗi đợt đo;
  • Mỗi khu vực đo vẽ sử dụng một điểm nghiệm triều để quan trắc mực nước, tính số cải chính cho các mảnh trong khu vực đó. Cứ 30 phút phải đọc số trên thước quan trắc mực nước một lần vào các thời điểm chẵn giờ hoặc chẵn 30 phút. Trước và sau thời điểm triều cường và triều kiệt 30 phút, cứ 10 phút đọc 1 lần. Mỗi thời điểm đọc thước quan trắc mực nước phải đọc số 2 lần, số đọc đến cm:
    • Lần 1 đọc thời điểm chân sóng;
    • Lần 2 đọc thời điểm đỉnh sóng.
  • Kết quả quan trắc phải ghi vào sổ quan trắc mực nước và tính giá trị trung bình;
  • Sử dụng phần mềm EXCEL để vẽ đồ thị biến thiên mực nước hàng ngày. Đồ thị biểu diễn sự biến thiên mực nước hàng ngày được đóng thành tập và có dấu xác nhận của đơn vị thi công;
  • Ngoài ra, để bổ sung dữ liệu cho mô hình tính toán, lan truyền sóng ngoài khơi vào vùng biển ven bờ, sẽ tiến hành quan trắc mực nước tại điểm nghiệm triều Chân Mây liên tục 24 giờ trong vòng 14 ngày đồng thời với thời gian đo đạc sóng, dòng chảy.

b.Xác định vị trí điểm đo sâu (đo kiểm tra) và đo sâu địa hình đáy biển bằng máy đo sâu hồi âm đơn tia
Quy định chung:

  • Các máy đo sâu hồi âm đơn tia, máy định vị… trước khi đo đã được kiểm nghiệm, kết nối với máy tính chuyên dụng đạt yêu cầu mới được thi công;
  • Trước mỗi ngày đo phải kiểm tra thật kỹ các thông số sau:
    • Độ ngập đầu biến âm;
    • Tốc độ âm nhập vào máy đo sâu (dùng máy SVP-15 xác định tốc độ âm ở vị trí sâu nhất của khu vực đo vẽ để hiệu chỉnh cho toàn bộ khu vực đo vẽ);
    • Kiểm tra và đồng bộ thời gian trên hệ thống đo sâu với thời gian tại điểm quan trắc mực nước;
  • Trong suốt quá trình đo phải theo dõi hoạt động của các máy, tín hiệu vệ tinh và ghi đầy đủ vào sổ đo sâu;
        • Xác định vị trí điểm đo sâu, đo kiểm tra:
  • Các tuyến đo sâu, đo kiểm tra có thể thiết kế trên hệ tọa độ VN-2000 hoặc chuyển toàn bộ thiết kế sang hệ tọa độ WGS-84, nhập vào phần mềm dẫn đường tạo thành các Runline phục vụ cho việc dẫn đường khi đo sâu địa hình đáy biển;
  • Sử dụng các máy định vị SPS351, SPS361 hoặc các máy có độ chính xác tương đương để xác định vị trí điểm đo sâu, đo kiểm tra. Trước khi thực hiện, đơn vị thi công phải liên hệ với đơn vị chủ quản quản lý và vận hành các trạm DGPS ven biển để đảm bảo thu được tín hiệu cải chính tốt;Nếu thiết kế trên hệ tọa độ VN-2000 thì phải nhập 7 tham số chuyển đổi hệ tọa độ do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào phần mềm dẫn đường;
        • Đo sâu, đo kiểm tra địa hình
  • Sử dụng máy đo sâu hồi âm đơn tia Echotrac MKIII™, HydroTrac hoặc máy tương đương có độ chính xác ≤ ±5cm + h x 0,2% và phần mềm chuyên dụng QinSy hoặc HydroPro để tiến hành đo sâu. Kết quả đo sâu phải lưu giữ dưới dạng file số liệu gốc;
  • Đầu biến âm của máy đo sâu hồi âm đơn tia được lắp vào vị trí thích hợp đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn trong suốt quá trình đo sâu địa hình đáy biển. Xác định độ ngập đầu biến âm với độ chính xác ± 1cm và nhập vào máy đo sâu;
  • Tận dụng triều cường để đo chờm vào khu vực đo sâu bằng sào để kiểm tra và ghép nối;
  • Tổng diện tích đo sâu địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 bằng máy đo sâu hồi âm đơn tia khu vực ven bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 47,0km².

3) Đánh giá độ chính xác đo sâu

Sử dụng phương pháp nội suy tuyến tính tại vị trí giữa 2 cặp điểm giao nhau gần nhất của tuyến đo sâu và tuyến đo kiểm tra để tìm ra 2 giá trị độ sâu tương ứng, so sánh 2 giá trị này. Số chênh lệch độ sâu kiểm tra tuân thủ theo tài liệu [1]. Trong trường hợp vượt hạn sai cho phép phải xem xét lại cụ thể dáng địa hình để quyết định đo lại hay chỉ loại bỏ các điểm sai thô. Chỉ tiến hành đánh giá khi độ dốc địa hình tại khu vực đánh giá ≤ 5o.

I.20.6.4.Máy móc, thiết bị phục vụ công tác khảo sát, đo vẽ
Máy móc, thiết bị có thể sử dụng trong thi công bao gồm các loại máy được thống kê dưới đây (hoặc các máy có độ chính xác tương đương). Cụ thể như sau:

    • Máy GPS tĩnh Trimble NetR5, Trimble 4000SSI;
    • Máy định vị RTK Trimble R4, R7;
    • Máy định vị Trimble SPS351, SPS361;
    • Máy đo sâu hồi âm đơn tia Echotrac MKIIITM, Hydrotrac;
    • Máy đo tốc độ âm thanh SVP15, RESON;
    • Máy tính PC với phần mềm chuyên dụng cho công tác đo đạc và thành lập bản đồ;
  • Hình ảnh các thiết bị, máy móc sẽ sử dụng trong thi công như sau:

 

CÔNG TY TNHH MTV CÔNG NGHỆ TNMT GIA LINH (GALITECH CO.,LTD)

Địa chỉ: Số 2/46 ngõ Thịnh Hào 1, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

VPGD: Số 103 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính – quận Thanh Xuân – TP.Hà Nội

ĐT: 0978158712 – DĐ: 0848508080

Email: Gialinhdodac@gmail.com; gialinhdodacdiachinh@gmail.com

Webside: moitruonggialinh.vn

 

 

 

 

Leave Comments

0978158712
0978158712